Hoàn thiện pháp luật nhằm xử lý hiệu quả hơn tội phạm mua bán người
Khái niệm mua bán người trong dự thảo luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người (PCMBN).
Chiều 22/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Quốc hội nghe: Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Dữ liệu; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi).
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, khái niệm mua bán người trong dự thảo luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh PCMBN, bảo đảm tiệm cận với các điều ước quốc tế về PCMBN mà Việt Nam là thành viên.
Theo đó, khái niệm mua bán người đã kết hợp đủ 3 yếu tố (hành vi, mục đích, thủ đoạn). Trong đó, hành vi gồm: tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người; mục đích gồm: nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc mục đích vô nhân đạo khác; thủ đoạn gồm: sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.
“Cách thiết kế này thể hiện những hành vi, mục đích và thủ đoạn đặc trưng nhất của mua bán người. Đặc biệt, khái niệm mua bán người trong dự thảo luật đã mở rộng hơn một số nội dung so với Bộ luật Hình sự và pháp luật hiện hành, trong đó có nội dung người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ cần yếu tố hành vi và mục đích là đã bị coi là mua bán người và như vậy, họ cũng được bảo vệ như người dưới 16 tuổi. Quy định này cũng phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết. Đồng thời nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với khái niệm mua bán người được quy định rộng hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự sẽ làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự nhằm xử lý hiệu quả hơn loại tội phạm này và nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về PCMBN.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Cùng với việc mở rộng khái niệm mua bán người thì các biện pháp xử lý khác cũng sẽ được xem xét áp dụng bên cạnh biện pháp xử lý hình sự. Đồng thời, để bảo đảm tính nghiêm minh và tăng cường công tác phòng ngừa, khái niệm mua bán người trong dự thảo luật còn có nội dung rộng hơn quy định của một số điều ước quốc tế, như: bổ sung mục đích vô nhân đạo khác, thủ đoạn khác.
Bổ sung quy định mua mua bán người từ khi còn đang là bào thai
Về ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” vào khái niệm mua bán người tại Khoản 1 Điều 2 làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại. Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh. Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả các biện pháp PCMBN từ sớm, từ xa, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Khoản 2 Điều 3 dự thảo luật đã quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.
Nhiều chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 dự thảo luật do Chính phủ trình, trong đó có chế độ hỗ trợ học văn hóa, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 37 của dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ như nạn nhân, trừ hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Các chế độ hỗ trợ khác dành cho trẻ em (nếu có) thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về trẻ em.
Các đại biểu tại phiên họp
Về người đang trong quá trình xác định là nạn nhân đang ở trong nước và ở nước ngoài, Điều 37 của dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng nạn nhân là công dân Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng đang ở nước ngoài thì được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế và chi phí phiên dịch. Sau khi những người này được cơ quan có thẩm quyền ở trong nước tiếp nhận và xác minh thì họ sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ khác như người đang trong quá trình xác định là nạn nhân ở trong nước.
Bên cạnh đó, về hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, để bảo đảm mục tiêu lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là trung tâm thì việc hỗ trợ cho họ sau khi tiếp nhận cần kịp thời, nhanh chóng và phải thực hiện ngay. Do đó, khái niệm “hỗ trợ pháp luật” trong dự thảo luật được hiểu là việc tư vấn để phòng ngừa bị mua bán trở lại, tư vấn làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm căn cước, nhận chế độ hỗ trợ và được thực hiện bởi UBND cấp xã, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi tiếp nhận…
Nguồn: https://cand.com.vn/