Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh trong tuần (từ ngày 27/5 đến ngày 02/6/2024)

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 5 (kỳ 2); Quyết định về việc bổ sung danh mục các dự án trọng điểm năm 2024; Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản; Quy định phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động và quản lý hoạt động thí điểm sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện và xăng sinh học để vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hạn chế tại điểm du lịch Đền Quan Giám sát, Đền Chầu Lục; Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng; Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2024; Chỉ đạo kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn tác hại của đàn Châu Chấu đối với hoa màu trên địa bàn xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia; Kế hoạch thực hiện tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước; Tập trung chỉ đạo ngăn chặn Châu Chấu gây hại trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo thực hiện Công điện số 46/CĐ-TTg của Chính phủ về rà soát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt; Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch tổ chức thực hiện “Tháng hành động phòng, chống ma tuý” năm 2024.

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 5 (kỳ 2)

Ngày 31/5/2024, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 5 (kỳ 2). Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì phiên họp.

 Tại phiên họp kỳ này, các đại biểu nghe và cho ý kiến vào 12 nội dung do 8 cơ quan trình. Trong đó, phiên họp đã dành nhiều thời gian để thảo luận nội dung dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tình hình KTXH trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông - Xuân ước đạt hơn 48.200ha, tiến độ xây dựng nông thôn (XDNTM) mới được đảm bảo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh (tính đến ngày 23/5/2024) được trên 22 tỷ USD, toàn tỉnh thu hút khoảng 2,97 triệu lượt khách du lịch, đạt 73,2% kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), khởi công dự án (DA) được tập trung triển khai thực hiện, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước được hơn 4.400 tỷ đồng, đạt 60,2% dự toán, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm tích cực, công tác an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại tiếp tục được tăng cường.

Sau khi nghe dự thảo báo cáo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung về công tác phòng, chống dịch bệnh, tiến độ XDNTM, các chương trình, đề án, chính sách thực hiện Luật Đất đai, điều hòa các chỉ tiêu sử dụng đất, kế hoạch tuyển dụng giáo viên, chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, nắm bắt, xử lý các thông tin xấu độc trên mạng xã hội…

Cho ý kiến vào nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt, lĩnh vực. Cụ thể, vốn đầu tư công (ĐTC) được chủ động phân bổ chi tiết ngay từ đầu năm, đạt tỷ lệ 99,5%, thu ngân sách đạt kết quả tích cực, thành lập mới trên 470 doanh nghiệp, đạt 78,6% kế hoạch, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính cơ bản tăng so với năm 2023... Đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế như: tốc độ tăng GRDP của tỉnh còn đạt thấp, sản xuất kinh doanh, đời sống của Nhân dân phục hồi còn chậm, một số khoản thu thuế chưa đạt tiến độ đề ra, tiến độ GPMB các DA còn chậm, vi phạm pháp luật, kỷ luật của cán bộ công chức còn xảy ra…

Về phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, tập trung cao độ, chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh để nâng cao chỉ số GRDP của tỉnh, tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, đẩy mạnh triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các DA đầu tư xây dựng cơ bản, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, nhất là với các DA trọng điểm của tỉnh, quan tâm thực hiện tốt công tác đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến người dân và doanh nghiệp, tập trung kiểm tra, rà soát đối với các DA đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định, chuẩn bị đầy đủ các nội dung phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và các kỳ họp của HĐND tỉnh… Trên cơ sở ý kiến đóng góp bằng văn bản cũng như ý kiến tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, đồng thời cập nhật tình hình, số liệu để hoàn thiện dự thảo báo cáo chậm nhất vào ngày 8/6/2024 gửi UBND tỉnh xem xét.

Đồng chí chủ tịch UBND tỉnh cũng cho ý kiến và cơ bản nhất trí với các nội dung Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch ĐTC 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 và Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí yêu cầu, các cấp, các ngành, các huyện tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ thi công, GPMB các công trình, DA, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), bảo đảm thu đúng thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu gian lận thương mại. Tăng cường công tác giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch và nhiệm vụ chi năm 2024… Đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến, tiếp tục cập nhật số liệu thường xuyên, kịp thời, hoàn thiện trình dự thảo theo quy định.

Tiếp đó, các đại biểu cũng thảo luận và cho ý kiến vào Dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các đại biểu cho ý kiến về mức thu, đối tượng thu phí, quy định thu đối với các khu di tích, danh thắng cụ thể. Đối với nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất đối tượng miễn giảm phí thăm quan là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, học sinh sinh viên, người có công, thống nhất với mức thu phí theo dự thảo Nghị quyết là 10.000 đồng đối với trẻ em dưới 16 tuổi; 20.000 đồng đối với người lớn từ đủ 16 tuổi trở lên, chỉ quy định thu phí đối với khu di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc thành phố Lạng Sơn; Di tích danh lam thắng cảnh Đồng Lâm, xã Hữu Liên huyện Hữu Lũng; Đối với các khu di tích, danh thắng khác căn cứ vào tình hình thực tế trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định có thu phí hay không.

Phiên họp cũng thảo luận và cho ý kiến vào Dự thảo Tờ trình của của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các đại biểu, cần xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn từ 2024 – 2030, rà soát cập nhật các văn bản đã ban hành của tỉnh về nội dung này để đưa ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ sát với thực tiễn của địa phương, bổ sung nội dung kết cấu của báo cáo, đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, hoàn thiện dự thảo trình theo quy định.

Trong chương trình phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận, đóng góp ý kiến và thông qua các nội dung quan trọng khác như: dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành số lượng, chủng loại xe ô tô phục vụ công tác chung và tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định Bộ tiêu chí xã NTM, Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 – 2025; quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”,“Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh.

Quyết định về việc bổ sung danh mục các dự án trọng điểm năm 2024

UBND tỉnh quyết định bổ sung danh mục các dự án trọng điểm năm 2024 (Quyết định số 924 /QĐ-UBND, ngày 27/5/2024).

Cụ thể, bổ sung danh mục dự án trọng điểm năm 2024 tại Quyết định số 254/QĐ-UBND ngày 03/02/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo, cơ chế điều hành và danh mục các dự án trọng điểm năm 2024, như sau: Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là bộ phận không tách rời của Quyết định số 254/QĐ-UBND ngày 03/02/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo, cơ chế điều hành và danh mục các dự án trọng điểm năm 2024.

Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 115/KH-UBND, ngày 27/5/2024).

Theo đó, phấn đấu mỗi huyện, thành phố có tối thiểu 01 tập huấn viên cấp huyện/80 tổ hòa giải ở cơ sở, tối thiểu 01 tập huấn viên cấp tỉnh/100 tổ hòa giải ở cơ sở; 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở; 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở;… Phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi toàn tỉnh đạt từ 85% trở lên, đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo đạt trên 90%; toàn tỉnh có ít nhất 05% đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”.

Đề án được thực hiện với 02 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 (từ năm 2024 đến năm 2026), thực hiện chỉ đạo điểm, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện, hòa giải viên ở cơ sở, cung cấp các tài liệu hướng dẫn kỹ năng hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành để hòa giải viên được tiếp cận và sử dụng, sơ kết thực hiện Đề án theo chỉ đạo của Trung ương; giai đoạn 2 (từ năm 2027 đến năm 2030), tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, hướng dẫn nhân rộng mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở” trên phạm vi toàn tỉnh, kiểm tra, tổng kết thực hiện Đề án theo chỉ đạo của Trung ương.

Chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản

UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 703/UBND-NC, ngày 703/UBND-NC, ngày 27/5/2024) thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản.

Các sở, ban, ngành, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố thường xuyên phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (sau khi được Quốc hội thông qua) và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chỉ thị số 40/CT-TTg, Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 07/12/2020 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp và cơ quan có thẩm quyền về công tác đấu giá tài sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý trong tổ chức thực hiện đấu giá tài sản; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan Công an trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trong hoạt động đấu giá tài sản, kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho công chức, viên chức có liên quan trong tham mưu thực hiện công tác đấu giá tài sản.

Đối với các cơ quan có tài sản đấu giá tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý tài sản, người có tài sản; thực hiện lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo đúng các tiêu chí, đảm bảo lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, khách quan trong việc đấu giá; thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ việc tổ chức đấu giá.

Quy định phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động và quản lý hoạt động thí điểm sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện và xăng sinh học để vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hạn chế tại điểm du lịch Đền Quan Giám sát, Đền Chầu Lục

UBND tỉnh ban hành Quy định phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt độngvà quản lý hoạt động thí điểm sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện và xăng sinh học để vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hạn chế tại điểm du lịch Đền Quan Giám sát, Đền Chầu Lụct huộc địa phận xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (Quyết định số 962 /QĐ-UBND, ngày 29/5/2024).

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện và xăng sinh học tham gia giao thông trên đường bộ chở khách trong phạm vi hạn chế tại điểm du lịch Đền Quan Giám sát, Đền Chầu Lục thuộc địa phận xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Tuyến đường hoạt động: hành trình xuất phát từ bãi xe trước cổng Đền Quan Giám sát - đường tỉnh lộ 245 - rẽ vào đường thôn Chín Tư Chín Sáu - kết thúc tại bãi xe dưới cổng Đền Chầu Lục và ngược lại; cự ly vận chuyển: 1,2 km.Đối với những tuyến đường cấm xe ô tô thì xe bốn bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện và xăng sinh học không được phép đi vào. Xe điện bốn bánh chỉ được đón, trả khách tại các điểm quy định trên các tuyến đường hoạt động. Thời gian hoạt độngtừ 5h00’ đến 18h00’ hằng ngày; thời gian dừng đón trả khách tại các điểm dừng, đỗ theo quy định.

Số lượng, điều kiện về phương tiện thí điểm: tổng số lượng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện và xăng sinh học tham gia hoạt động thí điểm đến hết năm 2024 không quá 30 xe; xe đăng ký hoạt động phải là xe đượccấp Giấy chứng nhận đăng ký,  Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe bốn bánh có gắn động cơ nhập khẩu (Xe nhập khẩu) hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe bốn bánh có gắn động cơ (Xe sản xuất lắp ráp trong nước).

Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 2625/VP-KT, ngày 29/5/2024) về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ Bộ Xây dựng yêu cầu tại Công văn số 2198/BXD-HĐXD ngày 21/5/2024. Theo đó, tăng cường phổ biến, tuyên truyền, quán triệt về các quy định của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 62/2020/QH14 và các Nghị định liên quan về các nội dung liên quan đến việc tuân thủ quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiên các trường hợp vi phạm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt đối với việc xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình có sai phạm về trật tự xây dựng cần có các biện pháp xử lý vi phạm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, tránh tình trạng hợp thức hóa sai phạm của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực hoạt động xây dựng; đối với những dự án, công trình được cơ quan chuyên môn về xây dựng lưu ý tại thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng về các nội dung cần bổ sung, hoàn thiện để đủ điều kiện trình phê duyệt hoặc triển khai các bước tiếp theo.

Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2024

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2024 (Kế hoạch số 80/KH-BCĐCCHC, ngày 29/5/2024).

Theo đó, đơn vị được kiểm tra là các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Nội dung kiểm tra: việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TU, ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch số 249/KH-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh về CCHC nhà nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 09/01/2024 của UBND tỉnh về CCHC tỉnh Lạng Sơn năm 2024, trong đó tập trung vào các nội dung: công tác chỉ đạo, điều hành, công tác tuyên truyền CCHC, áp dụng các sáng kiến, giải pháp mới về CCHC, kết quả triển khai các nội dung về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, công tác thanh tra, kiểm tra công tác CCHC, việc khắc phục, xử lý kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, việc triển khai, thực hiện các biện pháp, giải pháp khắc phục, nâng cao  Chỉ số đánh giá CCHC của đơn vị, của tỉnh theo kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua cao điểm “Đẩy mạnh hiện đại hóa bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” theo Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 10/4/2024 của UBND tỉnh.

Thời gian kiểm tra hoàn thành trong tháng 6 năm 2024.

Chỉ đạo kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn tác hại của đàn Châu Chấu đối với hoa màu trên địa bàn xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 2648/VP-KT, ngày 29/5/2024) kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn tác hại của đàn Châu Chấu đối với hoa màu trên địa bàn xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tại.

Theo đó, qua theo dõi chỉ đạo, nắm được thông tin tại xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia có hiện tượng đàn Châu Chấu dày đặc bất ngờ “tấn công” hoa màu, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cử cán bộ kỹ thuật khẩn trương kiểm tra hiện trường, hướng dẫn Nhân dân biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của đàn Châu Chấu đến hoa màu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của Nhân dân; chủ động tham mưu, báo cáo đề xuất UBND tỉnh nội dung vượt thẩm quyền.

Kế hoạch thực hiện tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 161-KH/TU ngày 11/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Kế hoạch số 117/KH-UBND, ngày 29/5/2024).

Theo Kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025 đạt 90% trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; trên 90% thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; duy trì 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Đến năm 2030: 100% trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; 100% thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96% dân số; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý, theo dõi sức khoẻ; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân; duy trì 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Sở Y tế là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch. Phối hợp, tham mưu UBND tỉnh sắp xếp, tổ chức bộ máy y tế cơ sở; triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y tế cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát, đánh giá công tác y tế tuyến y tế cơ sở… Các sở, ban, ngành liên quam theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ hoạt động y tế cơ sở; tổ chức, triển khai y tế cơ quan, doanh nghiệp bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người lao động theo quy định.

Chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước

UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 727/UBND-KT, ngày 30/5/2024) triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã nghiên cứu, quán triệt, tập huấn và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, trong đó tập trung phổ biến đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước; rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các quy định có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tiếp tục cập nhật thông tin của giấy phép tài nguyên nước tại địa chỉ https://gstnn-gp.monre.gov.vn.

UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; thường xuyên rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn thực hiện đăng ký, cấp phép tài nguyên nước theo quy định; thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương theo quy định của pháp luật; chỉ đạo UBND cấp xã tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt với trường hợp quy định tại Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, thực hiện quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công, giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

Tập trung chỉ đạo ngăn chặn Châu Chấu gây hại trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tập trung chỉ đạo ngăn chặn Châu Chấu gây hại trên địa bàn tỉnh (Công văn số 731/UBND-KT, ngày 30/5/2024).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường điều tra, phát hiện, dự báo khả năng phát sinh, phát triển của loài Châu Chấu chủ động các phương án phòng trừ kịp thời, đặc biệt chú ý những điểm đã gây hại nặng những năm trước; theo dõi, xác định vị trí di chuyển của Châu Chấu tre để có biện pháp xử lý; chủ động, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý khi cần thiết.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các lực lượng chuyên môn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, thông tin tuyên truyền về mức độ nguy hại của Châu Chấu tre; hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra đồi rừng (tre, nứa, vầu, ...), đồng ruộng, khu vực bìa rừng, khe dọc... để kịp thời phát hiện sớm, triển khai ngay các biện pháp phòng trừ ngay ở diện hẹp, không để phát sinh thành dịch; chủ động các phương án phòng trừ, huy động nguồn lực tại địa phương để phòng trừ Châu Chấu tre đồng loạt bằng các biện pháp tổng hợp, không để phát tán gây hại trên diện rộng.

Đối với 02 huyện Tràng Định, Bình Gia đã xuất hiện Châu Chấu gây hại, cần tập trung chỉ đạo khoanh vùng, triển khai ngay các biện pháp diệt trừ, không để đàn Châu Chấu phát triển, lây lan ra diện rộng. Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm kiểm điểm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để Châu Chấu tiếp tục phát triển thành dịch bệnh trên diện rộng.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn phối hợp cơ quan chuyên môn thông tin kịp thời, chính xác về tình hình gây hại, dự báo xu hướng, biện pháp phòng trừ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân nhận thức đúng đầy đủ về tác hại, mức độ, tình hình gây hại của Châu Chấu trên địa bàn toàn tỉnh.

Chỉ đạo thực hiện Công điện số 46/CĐ-TTg của Chính phủ về rà soát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt

UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 723 /UBND-KT, ngày 30/5/2024) thực hiện Công điện số 46/CĐ-TTg của Chính phủ về rà soát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát trong Quy hoạch tỉnh theo lĩnh vực quản lý về các nội dung, thông tin chưa chính xác, chưa thống nhất, đồng bộ và chưa phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội, Quy hoạch Vùng trung du và miền núi phía Bắc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 369/QĐ-TTg, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý các bất cập, vướng mắc (đồng gửi báo cáo qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp); thời gian thực hiện trước ngày 10/6/2024. Đối với các Quy hoạch cấp quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt sau thời điểm báo cáo, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh các nội dung như trên.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về việc rà soát, chỉnh lý hồ sơ, tài liệu quy hoạch và hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh để làm cơ sở cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Về triển khai các dự án đầu tư theo Quy hoạch tỉnh: các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm rà soát các dự án thuộc lĩnh vực và địa bàn, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch Vùng và các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi xem xét thẩm định, quyết định chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 122/KH-UBND, ngày 30/5/2024).

Mục đích nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước năm 2023; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nâng cao nhận thức cộng đồng về tuân thủ Luật Tài nguyên nước năm 2023.

Theo đó, Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung: quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong Luật, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước được giao trong Luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị các nội dung và điều kiện để tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch.

Kế hoạch tổ chức thực hiện “Tháng hành động phòng, chống ma tuý” năm 2024

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện “Tháng hành động phòng, chống ma tuý” năm 2024 (Kế hoạch số 124/KH-UBND, ngày 31/5/2024).

Theo đó, Tháng hành động phòng, chống ma tuý (PCMT) năm 2024 có chủ đề “Chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma túy” (từ ngày 01/6/2024 đến ngày 30/6/2024).

Các nội dung công tác trọng tâm: tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động PCMT, Ngày quốc tế và Ngày toàn dân PCMT phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi đơn vị, địa phương, tăng cường các hoạt động tuyên truyền PCMT đến từng khu phố, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, nhất là các khu vực, địa bàn trọng điểm, tập trung đông người; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành trong quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện; các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tăng cường rà soát, thống kê, đánh giá chính xác tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy để quản lý. Các lực lượng chuyên trách, nòng cốt là lực lượng Công an mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy để chủ động nắm tình hình về tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn toàn tỉnh để xây dựng các phương án, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả, không để hình thành tụ điểm phức tạp về ma túy, gây bức xúc trong quần chúng Nhân dân./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết