Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh trong tuần (từ ngày 10/6 đến ngày 16/6/2024
Họp Ủy ban nhân dân tỉnh thường kỳ tháng 6 năm 2024 (kỳ 1); Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lạng Sơn lần thứ VI và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025; Kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2024 và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; Kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân dịp Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và triển khai thí điểm Học bạ số; Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thi “Doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp” tham gia thi cấp Quân khu năm 2025; Quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh; UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 30/5/2024 của HĐND tỉnh; UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối và vàng trên địa bàn; Chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử, quản lý nợ và thu hồi nợ thuế theo Công văn số 5258/BTC-TCT ngày 22/5/2024 của Bộ Tài chính; Chỉ đạo triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Họp Ủy ban nhân dân tỉnh thường kỳ tháng 6 năm 2024 (kỳ 1)
Ngày 13/6/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2024 (kỳ 1). Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp kỳ này, các đại biểu đã cho ý kiến vào 15 nội dung dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh do 08 cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo trình xin ý kiến về quy định về chế độ, chính sách áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tại dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định tiêu chí thành lập Tổ, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, chính sách, mức hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các đại biểu cho ý kiến liên quan đến tên gọi của nghị quyết, về phạm vi điều chỉnh, mức hỗ trợ, bồi dưỡng, nguồn lực thực hiện... Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo; trong đó, cần nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa về tên gọi của nghị quyết, quy định cụ thể số lượng thành viên và mức chi hỗ trợ thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Đối với dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2024; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý, bổ sung một số nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, cần bồ sung việc ban hành các văn bản tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2024, chỉ đạo rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước...
Đối với dự thảo Tờ trình của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Nghị quyết, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện chương trình. Đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì khẩn trương hoàn thiện dự thảo, trong đó, nội dung dự thảo nghị quyết cần thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu thực hiện chương trình, về giải pháp, cần thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, phát huy tinh thần quyết tâm vươn lên của các hộ gia đình được hỗ trợ, nhấn mạnh nội dung huy động các lực lượng cùng chung tay tham gia thực hiện chương trình, công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo nguồn kinh phí được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và hiệu quả.
Trong chương trình, UBND tỉnh cũng đã thảo luận và thống nhất thông qua các dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và nghị quyết của HĐND tỉnh về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 6 tháng cuối năm 2024; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025; dự kiến kế hoạch đầu tư công và kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025; quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho các cơ quan, đơn vị khối tỉnh và các huyện, thành phố kinh phí thực hiện chế độ chính sách, các nhiệm vụ phát sinh năm 2024, quy định nội dung, mức chi tổ chức giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2024 - 2025. Phiên họp cũng cho ý kiến, thống nhất thông qua dự thảo Quyết định của UBND tỉnh sửa đổi, bãi bỏ một số điều của Quy định về việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; dự thảo Tờ trình của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn...
Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Kế hoạch số 136/KH-UBND, ngày 10/6/2024).
Mục tiêu cụ thể: hằng năm, tối thiểu 70% thanh niên được cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách, các hoạt động phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ trên các lĩnh vực; đến năm 2025, tối thiểu 80% cán bộ Đoàn các cấp, trong đó, 100% cán bộ Đoàn phụ trách công tác tài năng trẻ được tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ; đến năm 2030, sau khi được phát hiện tôn vinh, tối thiểu 60% tài năng trẻ được bồi dưỡng, tham gia các hoạt động chia sẻ tri thức, hỗ trợ cộng đồng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức; hằng năm, Tỉnh Đoàn Lạng Sơn theo dõi, cập nhật cơ sở dữ liệu tài năng trẻ của địa phương và thực hiện kết nối, phát huy hiệu quả tài năng trẻ, đến 2030, cập nhật, khai thác hiệu quả dữ liệu 100% tài năng trẻ tỉnh Lạng Sơn trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Tài năng trẻ quốc gia.
Về nhiệm vụ, giải pháp: tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam; phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ; tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ tài năng trẻ như tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo trẻ, tạo nguồn cán bộ trẻ trong hệ thống chính trị, tổ chức gặp gỡ động viên, tuyên dương các tài năng trẻ tiêu biểu và các tài năng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với các cơ quan tổ chức các diễn đàn, đối thoại nhằm đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách đối với tài năng trẻ; tăng cường công tác kết nối, phát huy tài năng trẻ.
Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lạng Sơn lần thứ VI và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lạng Sơn lần thứ VI và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI năm 2025 (Kế hoạch số 138/KH-UBND, ngày 10/6/2024).
Theo đó, tiến hành tổ chức theo thứ tự từ cấp cơ sở đến cấp huyện, thành phố, sở, ban, ngành và Đại hội thi đua yêu nước cấp tỉnh. Đối với các xã, phường, thị trấn tổ chức "Hội nghị điển hình tiên tiến", "Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt", “Hội nghị biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo” hoặc “Đại hội thi đua yêu nước” (hình thức cụ thể do đơn vị lựa chọn, quyết định); thời gian hoàn thành trong quý I/2025. Đối với các cơ quan, đơn vị tham gia cụm, khối thi đua của tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức “Đại hội thi đua yêu nước” hoặc “Hội nghị điển hình tiên tiến”, thời gian hoàn thành trong quý II/2025. Cấp tỉnh tổ chức "Đại hội Thi đua yêu nước", thời gian dự kiến trong tháng 8/2025.
Về những nội dung tập trung thực hiện từ nay đến tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp: đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; các ngành, các cấp phát động đợt thi đua đặc biệt, sôi nổi, sâu rộng, thiết thực, gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ, tỉnh phát động phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”…; chú trọng việc phát hiện các điển hình tiên tiến, nhân tố mới thực sự tiêu biểu trong các phong trào thi đua.
Kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-LĐTBXH-GDĐT-CA-NNPTNT-TLĐ-LMHTX-LĐTMCN ngày 25/01/2024 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 142/KH-UBND, ngày 11/6/2024).
Hình thức phối hợp: ban hành các văn bản phối hợp để triển khai thực hiện nhiệm vụ; bằng văn bản, trao đổi trực tiếp, điện thoại hoặc phương tiện thông tin khác; tổ chức hội nghị, hội thảo, đoàn thanh tra, kiểm tra; các hình thức phối hợp khác theo quy định của pháp luật; trao đổi bằng tin nhắn, thư điện tử qua đầu mối giao nhiệm vụ.
Nội dung phối hợp gồm: xây dựng Chương trình, Kế hoạch liên quan đến phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, phối hợp triển khai quy trình phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em theo hướng dẫn của các bộ, ngành; phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột lao động và trao đổi, cung cấp thông tin dữ liệu liên quan đến trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; căn cứ điều kiện, tình hình thực tế các sở, ban, ngành, tổ chức triển khai thí điểm mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thuộc sở, ban, ngành, tổ chức và UBND các huyện, thành phố và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện.
Chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2024 và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 2938/VP-KT, ngày 12/6/2024) về việc triển khai các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2024 và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2024, đảm bảo hoạt động đăng kiểm xe cơ giới được liên tục, tránh đứt gãy nguồn cung ứng dịch vụ đăng kiểm, phục vụ tốt nhu cầu cấp thiết của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các nội dung theo quy định.
Tại Công văn số 6120/BGTVT-KHCN&MT ngày 10/6/2024, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chuyên môn tại địa phương chủ động triển khai thực hiện một số nội dung như sau: tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đăng kiểm phương tiện; khẩn trương rà soát các trung tâm đăng kiểm đã bị tạm dừng hoạt động và tổ chức kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định cho các trung tâm đăng kiểm đủ điều kiện; bố trí lực lượng, hướng dẫn, phân luồng đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các trung tâm đăng kiểm; tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân chủ động lựa chọn, đăng ký đặt lịch kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 782/UBND-KT, ngày 12/6/2024) tiếp tục tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, yêu cầu Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.
Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Quản lý chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa về giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi theo quy định nhằm phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi, thủ đoạn lợi dụng cơ sở ấp, chăn nuôi trong nội địa hợp thức hóa trứng gia cầm, gia cầm giống, gia cầm thương phẩm nhập lậu lưu thông trên thị trường.
Chủ động bám sát tình hình, kịp thời thông tin, định hướng dư luận tích cực về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có nhóm hàng hóa giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền về tác hại, hậu quả của buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu, nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe con người để nâng cao ý thức của người dân và trách nhiệm của các ngành trong công tác phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân dịp Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân dịp Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 143/KH-UBND, ngày 12/6/2024).
Các nội dung hoạt động: tuyên truyền về ý nghĩa của ngày Thương binh - Liệt sĩ, về chính sách Ưu đãi người có công với cách mạng và sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng, hỗ trợ, giúp đỡ hộ gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động như thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tổ chức Phát động phong trào ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức đưa Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc; tổ chức đưa Đoàn đại biểu người có công với cách mạng đi thăm lại chiến trường xưa; tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn tỉnh; tổ chức dâng hương tại Khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ và viếng Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn;...
Chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và triển khai thí điểm Học bạ số
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 2967/VP-KGVX, ngày 13/6/2024) về thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và triển khai thí điểm Học bạ số.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền.
Tại Công văn số 2781/BGDĐT-GDTH ngày 11/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành thực hiện hiệu quả một số nội dung sau: thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng về thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục; chỉ đạo xây dựng phương án triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thẩm quyền quy định; quá trình triển khai cần thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp quản lý; qua thí điểm, cần hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp, đúng thẩm quyền; không để có kẽ hở về mặt pháp lý, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình triển khai thực hiện các dịch vụ có liên quan đến chuyển đổi số trong ngành giáo dục và Học bạ số, đặc biệt liên quan đến phần mềm quản lý nhà trường, phần mềm quản lý trung tâm, chữ ký số, đầu tư hạ tầng thiết bị.
Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thi “Doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp” tham gia thi cấp Quân khu năm 2025
UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Hội thi “Doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp” tham gia thi cấp Quân khu năm 2025 (Quyết định số 1050/QĐ-UBND, ngày 13/6/2024).
Theo đó, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng BCĐ; Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực; Chính ủy Bộ CHQS tỉnh làm Phó Trưởng ban. Ủy viên BCĐ gồm đại diện lãnh đạo các sở: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Văn phòng UBND tỉnh.
Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh làm Trưởng BTC; Chính ủy Bộ CHQS tỉnh làm Phó Trưởng ban. Ủy viên BTC gồm Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh.
BCĐ có nhiệm vụ chỉ đạo chuẩn bị tham gia Hội thi đúng chương trình, kế hoạch, quy chế, hướng dẫn của BCĐ, BTC, Ban Giám khảo Quân khu bảo đảm đạt kết quả cao, an toàn, tiết kiệm. BTC có nhiệm vụ tham mưu xây dựng các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Hội thi theo đúng chương trình, kế hoạch, quy chế, hướng dẫn của BCĐ, BTC, Ban Giám khảo Quân khu, hướng dẫn, kiểm tra, giúp Bộ CHQS tỉnh làm công tác chuẩn bị theo đúng quy chế Hội thi.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. BCĐ, BTC tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
UBND tỉnh quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Quyết định số 1045/QĐ-UBND, ngày 13/6/2024).
Theo đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban; đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban Thường trực; các Phó Trưởng Ban gồm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm ủy viên Thường trực. Các ủy viên Ban Chỉ huy gồm lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công Thương, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND thành phố Lạng Sơn, Công ty Điện lực Lạng Sơn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn, Đài khí tượng Thủy văn Lạng Sơn, Chi cục Thuỷ lợi. Mời lãnh đạo Uỷ ban MTTQVN tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tham gia Ban Chỉ huy.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; các nội dung khác không đề cập tại Quyết định này giữ nguyên theo Quyết định số 2530/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh. Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh
UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh (Quyết định số 18/2024/QĐ-UBND, ngày 13/6/2024).
Theo đó, Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND tỉnh; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Thanh tra tỉnh có Chánh Thanh tra và không quá 03 Phó Chánh Thanh tra. Về cơ cấu tổ chức gồm: Văn phòng; các Phòng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (Phòng Nghiệp vụ I, Phòng Nghiệp vụ II); Phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Phòng Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra.
Biên chế công chức của Thanh tra tỉnh được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh được cấp có thẩm quyền giao. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hằng năm Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch biên chế công chức theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/6/2024, thay thế Quyết định số 65/2018/QĐ-UBND ngày 17/12/2018 và Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND ngày 10/3/2024 của UBND tỉnh.
UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 30/5/2024 của HĐND tỉnh
UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 791/UBND-NC, ngày 13/6/2024) tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND ngày 30/5/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Sở Nội vụ hướng dẫn bố trí, định hướng kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, hằng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Nghị quyết.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến quán triệt các nội dung của Nghị quyết để các đối tượng thụ hưởng chính sách, tổ chức, cá nhân liên quan nắm đầy đủ nội dung của chính sách, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các nội dung Nghị quyết; căn cứ tình hình thực tế của địa phương, hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện bố trí người hoạt động không chuyên trách đối với từng đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp, bảo đảm các lĩnh vực đều có người đảm nhiệm. Khuyến khích thực hiện kiêm nhiệm chức danh để giảm đầu mối, tinh gọn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối và vàng trên địa bàn
UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối và vàng trên địa bàn (Công văn số 798/UBND-KT, ngày 14/6/2024).
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tăng cường phổ biến, quán triệt đến các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được phép kinh doanh ngoại hối, kinh doanh mua bán vàng miếng trên địa bàn chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý ngoại hối, quản lý hoạt động kinh doanh vàng; phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động ngoại hối và vàng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thường xuyên theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường ngoại hối và vàng trên địa bàn để kịp thời có biện pháp tham mưu xử lý thích hợp, hiệu quả.
Các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường; hướng dẫn, thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, ngoại hối; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, tổ chức đấu tranh kịp thời ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển ngoại tệ, vàng qua biên giới trái quy định của pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm; thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, vận chuyển vàng, ngoại tệ trên địa bàn; tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Nhà nước về quản lý ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử; quản lý việc khai thuế, nộp thuế của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng, đại lý đổi ngoại tệ.
UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong chấp hành các quy định về quản lý ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng thuộc địa bàn quản lý; xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử, quản lý nợ và thu hồi nợ thuế theo Công văn số 5258/BTC-TCT ngày 22/5/2024 của Bộ Tài chính
UBND tỉnh chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử, quản lý nợ và thu hồi nợ thuế theo Công văn số 5258/BTC-TCT ngày 22/5/2024 của Bộ Tài chính (Công văn số 797/UBND-KT, ngày 14/6/2024).
Về công tác triển khai hóa đơn điện tử: các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Công văn số 625/UBND-KT ngày 26/5/2023 về việc triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền và Công văn số 564/UBND-KT ngày 28/4/2024 về việc tăng cường công tác triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào một số nội dung sau: phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc triển khai hóa đơn điện tử nói chung, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền bảo đảm việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả; rà soát, tuyên truyền, động viên, yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc diện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm.
Về công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế: Cục Thuế: thực hiện rà soát danh sách người nộp thuế có số thuế nợ lớn trên địa bàn tỉnh, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng người nộp thuế, báo cáo UBND tỉnh và tổ chức làm việc để đôn đốc thu hồi nợ thuế; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ đọng thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; đặc biệt đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để sớm xử lý, thu hồi nợ thuế. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh: phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế, đặc biệt là phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên các kênh thông tin để người nộp thuế tự giác tuân thủ và thực hiện nghĩa vụ thuế, không để phát sinh nợ đọng thuế.
Chỉ đạo triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh chỉ đạo triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh (Công văn số 801/UBND-KT, ngày 16/6/2024).
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai cấp bách, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) theo đúng quy định, trong đó trọng tâm thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên ngành (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi trên các kênh thông tin, truyền thông để các ngành chức năng và người chăn nuôi biết, có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, lấy mẫu giám sát để kịp thời xác minh dịch bệnh, chỉ đạo kỹ thuật về công tác phòng, chống dịch không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.
Đối với các huyện đang phát sinh các ổ bệnh DTLCP: tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP; chỉ đạo tăng cường công tác giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện nhanh, chính xác, kịp thời các ổ dịch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bao vây ổ dịch không để lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra lợn giống bán tại các chợ trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Đối với huyện chưa phát sinh các ổ bệnh DTLCP: chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các thôn bản, các cơ sở chăn nuôi, đảm bảo phát hiện nhanh, chẩn đoán chính xác, báo cáo kịp thời và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch./.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn từ đầu năm đến nay (ngày 13/6/2024) bệnh DTLCP đã xảy ra tại 1.194 hộ/279 thôn/92 xã/10 huyện, thành phố (huyện Đình Lập chưa bị dịch); chết và tiêu hủy 3.777 con, tổng trọng lượng là 184.193kg. Trong đó: (lợn thịt, lợn con là 3.192 con; tổng trọng lượng 110.918 kg; lợn nái, lợn đực giống là 585 con, tổng trọng lượng 73.275 kg)./.