Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4 năm 2025 (Phiên thứ 2): Xem xét, cho ý kiến về chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Lạng Sơn

Ngày 22/4/2025 , đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thứ 2 UBND tỉnh thường kỳ tháng 4 năm 2025 để xem xét, cho ý kiến vào 08 nội dung dự thảo quan trọng do 05 sở, ngành trình.

 

Quang cảnh phiên họp

 

Dự họp có các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Đảng ủy UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố.

 

Lãnh đạo Sở Nội vụ trình bày phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã

 

Tại phiên họp,  các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào Nội dung Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, thực hiện sắp xếp 194 ĐVHC cấp xã thành 65 ĐVHC, giảm 65% so với tổng số ĐVHC cấp xã hiện nay. Cụ thể, huyện Tràng Định sắp xếp từ 20 ĐVHC cấp xã thành 7 ĐVHC cấp xã; huyện Bình Gia sắp xếp 19 thành 8 đơn vị; huyện Bắc Sơn sắp xếp 18 thành 6 đơn vị; huyện Văn Quan sắp xếp 15 ĐVHC cấp xã của huyện Văn Quan với 3 ĐVHC cấp xã của huyện Cao Lộc thành 6 ĐVHC cấp xã; huyện Văn Lãng sắp xếp 17 ĐVHC cấp xã thành 5 ĐVHC cấp xã; huyện Lộc Bình sắp xếp 20 ĐVHC cấp xã thành 7 ĐVHC cấp xã; huyện Đình Lập sắp xếp 12 ĐVHC cấp xã  thành 4 ĐVHC cấp xã; huyện Hữu Lũng sắp xếp 23 ĐVHC cấp xã  thành 8 ĐVHC cấp xã; huyện Chi Lăng sắp xếp 20 ĐVHC cấp xã thành 6 ĐVHC cấp xã; huyện Cao Lộc sắp xếp 14 ĐVHC cấp xã thành 4 ĐVHC cấp xã; thành phố Lạng Sơn sắp xếp từ 8 ĐVHC cấp xã của thành phố với 5 ĐVHC cấp xã của huyện Cao Lộc thành 4 phường.

Cho ý kiến vào nội dung này, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương sắp xếp lại cấp xã để bảo đảm tinh gọn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm các tiêu chí về dân số, diện tích, trong thời gian qua Lạng Sơn đã triển khai rất tích cực, nỗ lực theo định hướng của Trung ương. Trên cơ sở kết quả tổng hợp lấy ý kiến nhân dân trên toàn tỉnh và và qua cuộc họp HĐND cấp huyện, kết quả cho thấy tỷ lệ 98,2% người dân đã đồng thuận với các phương án sáp nhập được đưa ra.

 

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp

 

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất về phương án đặt tên xã đối với các cụm xã; thống nhất việc đặt tên theo đánh số thứ tự như dự thảo đối với 2 huyện Bắc Sơn và Hữu Lũng; điều chỉnh địa giới hành chính đối với một số trường hợp sáp nhập các thôn, xã cũ vào xã mới. Đối với huyện Văn Lãng và Cao Lộc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị 2 huyện nên đặt tên theo địa danh lịch sử, truyền thống văn hóa. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức lấy ý kiến người dân, bảo đảm tính dân chủ, công khai, thống nhất cao trong Nhân dân; làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích về nội dung tên gọi mới để người dân hiểu và đồng thuận ủng hộ, trong đó, nêu bật các cơ sở thực tiễn, lịch sử văn hoá, ý nghĩa lâu dài, bảo đảm tên gọi mới có ý nghĩa và không bị trùng lặp. UBND các huyện khẩn trương thực hiện việc lấy ý kiến cử tri xong trước ngày 24/4/2025.

 

Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại phiên họp

 

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến vào Dự thảo Kế hoạch thực hiện Kết luận số 115- KL/TW, ngày 16/01/2025 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Các đại biểu đề nghị xem xét bổ sung nội dung đánh giá kết quả về lực lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, nguồn lực văn hóa, các chỉ tiêu về tài lực, kế hoạch tăng trưởng 2 con số, trình độ của giáo viên, cán bộ quản lý so với năm 2019 như các lĩnh vực khác, cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng, logictics, cửa khẩu thông minh, công viên địa chất toàn cầu…

Cho ý kiến vào nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến bằng văn bản và tại cuộc họp để hoàn thiện. Trong đó, cần rà soát thống nhất về số liệu, chỉ tiêu bảo đảm sát với tình hình thực tế và tính khả thi các chỉ tiêu về tỉ lệ lao động làm dịch vụ, tài lực; viết gọn một số nội dung có nội hàm tương tự nhau, bảo đảm tính tương đồng giữa các giai đoạn về mặt nội dung; nghiên cứu bổ sung phát huy nguồn nhân lực, vật lực... bảo đảm tăng trưởng 2 con số theo chỉ đạo của Trung ương; thống nhất số liệu phấn đấu tỉ lệ che phủ rừng theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 67%; nêu rõ nội dung khai thác nguồn lực về kinh tế cửa khẩu; nguồn lực công viên địa chất toàn cầu; công tác tuyên truyền quán triệt, kiểm tra, giám sát thực hiện Kết luận... Đồng thời hoàn thiện Kế hoạch trước ngày 24/4 trình UBND tỉnh xem xét.

 

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành phát biểu thảo luận tại phiên họp

 

Tại Dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các đại biểu đề nghị bổ sung một số nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng; xây dựng cơ chế chính sách, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo;..

Cho ý kiến vào nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Dự thảo; đồng thời cần cụ thể hóa một số chỉ tiêu sát với thực tiễn của tỉnh, để làm căn cứ kiểm đếm, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện; gắn thực hiện Kết luận số 91 với việc thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; rà soát bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra như trong Kết luận số 91 và Nghị quyết số 29 đã nêu; Làm nổi bật nội dung đào tạo nghề. Nội dung dự thảo cần đề cập về nâng cao chất lượng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên về trình độ lý luận chính trị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trong mục giải pháp đề ra cần nêu rõ yêu cầu quan tâm giảng dạy tiếng Trung trong nhà trường để phù hợp với tình hình địa phương; nêu rõ nội dung xây dựng cơ chế chính sách để phát triển giáo dục, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, không thất thoát, lãng phí;

Trong chương trình phiên họp lần này, các đại biểu cũng nghe và cho ý kiến vào các nội dung trình như Dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện phương án phát triển mạng lưới cấp điện đến năm 2030 trong Quy hoạch tỉnh; Tờ trình của UBND tỉnh về đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2025-2030 và một số nội dung quan trọng khác. /.

 

Khánh Ly


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tin nổi bật