Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thường trực HĐND tỉnh họp phiên giải trình quý IV/2024 về tình  hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ cây thạch đen trên địa bàn tỉnh

Ngày 12/11/2024, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV/2024 về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ cây thạch đen trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh phiên họp

Dự phiên họp có đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đinh Hữu Học, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện liên quan và đại diện một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ cây thạch đen trên địa bàn tỉnh

Theo báo cáo, cây thạch đen là loại cây trồng ngắn ngày được trồng lâu đời tại tỉnh Lạng Sơn, mang lại hiệu quả kinh tế với diện tích hàng năm khoảng 2.000 ha. Từ tháng 12/2020, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, diện tích thạch đen được mở rộng đạt trên 3.000 ha năm 2021 – 2022, sản lượng đạt trên 18 nghìn tấn. Tuy nhiên do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế bởi dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ thạch đen gặp nhiều khó khăn, từ năm 2023 đến nay, diện tích trồng thạch đen đã giảm đáng kể so với các năm trước. Hiện nay, thạch đen chủ yếu được xuất thô sang các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Thái lan và một phần dùng chế biến thạch đen ăn liền, tinh bột thạch, làm nước giải khát với sản lượng tiêu thụ rất ít.

Đại diện hộ sản xuất kinh doanh phát biểu tại phiên họp

Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan liên quan đã cấp được 136 mã vùng trồng thạch đen với diện tích trên 654,6 ha và 09 cơ sở đóng gói, đảm bảo điều kiện xuất khẩu; tổ chức được 32 lớp tập huấn với trên 1.400 người tham gia. Hiện có 05 sản phẩm làm từ cây thạch đen được đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Những năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác và chế biến về cây thạch đen đã được triển khai, năm 2017 đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây thạch đen Tràng Định, năm 2023 xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thạch đen Lạng Sơn của tỉnh, năm 2020 đã được cấp bảo hộ giống cây trồng mới đối với giống thạch đen TĐ19.

 

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đã giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc duy trì mã vùng trồng cây thạch đen; công tác xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển cây thạch đen; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến thạch đen; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong phát triển sản xuất kinh doanh thạch đen trong thời gian tới;…

Đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên giải trình, đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện tập trung phát triển bền vững, tăng cường nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cây thạch đen trên địa bàn. Các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ thạch đen; hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản thạch đen trồng tại ruộng để người dân áp dụng; tiếp tục tăng cường công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng, duy trì các mã số vùng trồng đã cấp đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho thạch đen.

Đối với UBND các huyện trồng thạch đen cần có các giải pháp hiệu quả để duy trì, phát triển các vùng trồng thạch đen theo hướng bền vững, đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng cho chế biến và xuất khẩu; rà soát, lựa chọn các mô hình sản xuất thạch đen hiệu quả để người dân đến học tập, nhân rộng; đẩy mạnh chỉ đạo sản xuất theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn kết giữa 4 nhà trong sản xuất, tiêu thụ; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ thạch đen trên địa bàn.

Thùy Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tin nổi bật