Đồng bộ các giải pháp triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Trong thời gian qua, với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cấp uỷ, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch cho cả giai đoạn và hàng năm, nhằm thực hiện đổi mới công tác giảm nghèo, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và phát huy sức mạnh toàn diện của cả hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo trong điều kiện mới.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã đề ra 06 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau: Một là, xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 của tỉnh, các cơ quan thành viên BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố được phân công phụ trách xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững theo đúng quy định. Xác định công tác giảm nghèo là một nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và địa phương. Trên cơ sở mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể về giảm tỷ lệ hộ nghèo nghèo và các mục tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho từng xã, phường, thị trấn làm cơ sở để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2024.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo; vận động các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh; thông tin về chính sách, các cá nhân, tổ chức, mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, các cách làm ăn hiệu quả để kịp thời biểu dương, khen thưởng; tổ chức thực hiện tốt việc đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới; tăng cường thời lượng, quan tâm đến chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về người nghèo bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Ba là, tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư công trình giao thông, cầu, nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo… tại địa bàn 02 huyện Bình Gia, Văn Quan để giảm chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ dân, tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản.
Bốn là, lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, mở rộng và tạo điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong suốt quá trình thực hiện Chương trình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình giảm nghèo ở các cấp, phát huy quyền giám sát của người dân ở các vùng được hưởng lợi chương trình, dự án.
Sáu là, thực hiện tốt các phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung tay Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tích cực triển khai phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tổ chức tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác giảm nghèo; quan tâm khen thưởng đối với người nông dân, người lao động trực tiếp, người nghèo, hộ cận nghèo có thành tích tiêu biểu tự vươn lên thoát nghèo và hỗ trợ các gia đình khác vươn lên thoát nghèo; các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, hỗ trợ tích cực trong công tác giảm nghèo.
Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, việc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo đã góp phần tạo được niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chính quyền, góp phần ổn định xã hội, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, 100% các chính sách giảm nghèo đều đến tay đối tượng và phát huy hiệu quả; những trường hợp phát hiện sai sót trong rà soát hộ nghèo đều có biện pháp chấn chỉnh và chỉ đạo giải quyết kịp thời, phù hợp. Năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 2,9% so với năm 2022 (từ 8,92% xuống còn 6,02%, tương đương giảm 5.100 hộ). Dự ước tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 6,02% (năm 2023) xuống còn 3,48% (năm 2024).
Đỗ Hoạt