Bình Gia: Đa dạng sinh kế để giảm nghèo bền vững
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia luôn quan tâm triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Người dân xã Tân Văn, huyện Bình Gia chăm sóc đàn lợn được hỗ trợ từ dự án giảm nghèo
Để cụ thể hóa các giải pháp giảm nghèo, ngày 4/3/2022, UBND huyện Bình Gia ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung tạo sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân một cách toàn diện.
Trên cơ sở đó, chính quyền huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai linh hoạt các giải pháp giảm nghèo phù hợp với thực tế của từng địa phương. Ông Triệu Huy Hùng, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, phòng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung rà soát, phân loại hộ nghèo kỹ lưỡng, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo cũng như nguồn lực có thể thoát nghèo của từng hộ, nhóm hộ. Từ đó, phòng tham mưu UBND huyện triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tạo sinh kế cho người dân thông qua khai thác hiệu quả các nguồn vốn để triển khai các dự án, mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế tại các xã, thị trấn.
Kế hoạch số 56/KH-UBND của UBND huyện đề ra 9 mục tiêu cụ thể gồm: giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% gia đình người có công với cách mạng thoát nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân khu vực nơi cư trú; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế và được hỗ trợ chăm sóc tại các cơ sở y tế; phấn đấu 100% trẻ em thuộc hộ nghèo từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi được đi học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi; 95% hộ nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi được tham gia các khóa đào tạo hoặc được cấp chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng; 85% hộ nghèo sống trong ngôi nhà thuộc loại bền chắc và có diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 8 m2 trở lên; 99% trở lên hộ nghèo được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; phấn đấu 50% hộ nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 98% trở lên hộ nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông và 100% hộ nghèo có phương tiện, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn. |
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, huyện đã triển khai 17 mô hình sản xuất tại 12 xã với sự tham gia của 242 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ trên 8,3 tỷ đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có 11 mô hình nuôi lợn thịt; 3 mô hình nuôi bò; 2 mô hình nuôi trâu và 1 mô hình nuôi cá lồng. Đến nay, đã có 9 dự án cho kết quả rõ nét, tạo việc làm và thu nhập tăng thêm từ 20 đến 30 triệu đồng/hộ/năm cho khoảng 150 hộ nghèo, cận nghèo; các dự án còn lại đang triển khai đảm bảo đúng theo kế hoạch, mục tiêu đề ra.
Ông Hoàng Kim Hữu, Chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết: Năm 2023, từ nguồn vốn được UBND huyện phân bổ để thực hiện các mô hình giảm nghèo, xã đã hỗ trợ 153 con lợn giống cho 9 hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài con giống, các hộ còn được hỗ trợ cám và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn. Cuối năm 2023, thu nhập tăng thêm từ chăn nuôi đã góp phần giúp 9 hộ tham gia dự án thoát nghèo. Bên cạnh triển khai các dự án giảm nghèo, xã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân khai thác lợi thế để phát triển các mô hình kinh tế. Hiện trên địa bàn xã đã hình thành một số mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng mắc ca (13 ha); trồng thanh long (3,38 ha)… Qua đó, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo. Kết thúc năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,95%, giảm 1,02% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu huyện giao.
Bên cạnh triển khai các dự án chăn nuôi, dựa trên lợi thế về diện tích đồi rừng, UBND huyện đã tận dụng linh hoạt các nguồn vốn để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã triển khai mô hình trồng keo Úc tại 3 xã với 339 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng; triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây quế, hồi tại 4 xã với kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng…
Cùng với đó, UBND huyện tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn trồng các loại cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Qua đó đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng trồng rừng tập trung như: vùng quế xã Vĩnh Yên, Tân Hòa, Thiện Long... có diện tích trên 4.000 ha; vùng cây mỡ ở xã Hồng Phong, Hoa Thám, Hưng Đạo với gần 3.000 ha; vùng trồng keo, bạch đàn tại các xã: Thiện Thuật, Thiện Hòa, Hồng Thái với gần 4.000 ha…
Song song với tuyên truyền, hỗ trợ, triển khai các dự án giảm nghèo, để người dân có vốn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vốn ưu đãi. Cụ thể, từ năm 2022 đến ngày 12/5/2024, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội do các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội trên địa bàn huyện nhận ủy thác đạt trên 77 tỷ đồng, cho 1.223 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay để phát triển sản xuất.
Ông Hoàng Văn Cương, thôn Kim Liên, xã Hồng Phong chia sẻ: Năm 2019, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăm sóc 4 ha hồi và mua 8 con lợn giống về chăn nuôi. Từ mô hình chăn nuôi lợn và phát triển trồng hồi, trung bình mỗi năm, gia đình tôi có tổng thu nhập trên 150 triệu đồng. Kết thúc 2023, gia đình tôi đã trả hết vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội và thoát nghèo.
Ông Lèo Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia nhấn mạnh: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đến năm 2025, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan tập trung triển khai hiệu quả các dự án thành phần, cùng với đó tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo, xã nghèo trên địa bàn huyện; yêu cầu thành viên ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện và cấp xã tích cực, chủ động đi cơ sở để kiểm tra, nắm tình hình, đề xuất những khó khăn vướng mắc; thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để huy động nguồn lực tổng hợp trong thực hiện kế hoạch giảm nghèo hằng năm.
Từ những giải pháp đã triển khai, công tác giảm nghèo của huyện Bình Gia đã đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo những năm gần đây luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra. Kết thúc năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 14,78%, giảm 5,85% so với năm 2022; hộ cận nghèo còn 26,63%, giảm 5,75% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch tỉnh giao.
Nguồn: baolangson.vn