Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà họp chỉ đạo ứng phó bão số 3 (WIPHA)

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, sáng 20/7/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, địa phương để ứng phó với cơn bão số 3 (tên quốc tế là WIPHA). Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 18 tỉnh, thành phố phía Bắc và UBND các xã, phường trực thuộc các tỉnh.

 

Đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

 

Dự cuộc họp tại đầu cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Đồng thời, kết nối đến 65 điểm cầu các xã, phường thuộc tỉnh.

 

Dự báo đường đi của bão WIPHA (ảnh chụp qua màn hình)

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 9 giờ sáng 20/7, bão số 3 cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 670 km về phía Đông, mạnh cấp 11. Bão số 3 đang di chuyển nhanh, hoàn lưu lệch về phía Nam và phía Tây. Dự báo, chiều 21/7 bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7. Từ ngày 21/7 đến ngày 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm; các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Biên phòng các địa phương, tính đến 6 giờ 30 ngày 20/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.300 phương tiện/227.194 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh...

 

Đại biểu dự họp tại các điểm cầu (ảnh chụp qua màn hình)

 

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành chức năng và địa phương thông tin tình hình và dự báo những ảnh hưởng của cơn bão số 3 có thể gây ra như tình trạng thủy triều dâng cao, mưa lớn làm ngập úng cục bộ, lũ quét và sạt lở đất; gió giật làm hư hỏng cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao ảnh hưởng và thiệt hại tới tài sản và tính mạng của nhân dân. Đồng thời, báo cáo tình hình chuẩn bị, ứng phó với bão của các ngành chức năng và địa phương.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo cuộc họp và đại biểu dự cuộc họp tại điểm cầu các xã, phường thuộc tỉnh Lạng Sơn (ảnh chụp qua màn hình)

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh vào chiều 19/7/2025 do thiên tai gây ra. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm tập trung vào khu vực đông dân. Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã triển khai ứng phó với bão số WIPHA nghiêm túc, quyết liệt. Để chủ động ứng phó với bão, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Phó Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung cao độ, duy trì cảnh giác, thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá chính xác mức độ của bão. Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ra bản tin về cơn bão khẩn cấp, cần duy trì cập nhật 1h/lần; các bộ, ngành và cơ quan truyền thông thường xuyên cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về tình hình cơn bão, dự báo ảnh hưởng theo từng thời điểm bão đổ bộ với những điều kiện hình thái thiên tai cụ thể cho các địa phương và Nhân dân nắm bắt kịp thời diễn biến của bão để có biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là thông báo cụ thể các xã, phường nằm trong vùng nguy cơ chịu ảnh hưởng cao của bão. 

Đây là cơn bão đầu tiên sau khi chính quyền địa phương 02 cấp đi vào hoạt động, bởi vậy, các địa phương cần phải kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự; rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, đặc biệt là trước cơn bão sắp tới; rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm. Khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Chủ động sẵn sàng các biện pháp, tập trung vật tư thiết bị, phương tiện, huy động các lực lượng chủ động ứng phó bão, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân; phát huy tốt nhất phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai. Các địa phương duy trì trực 24/24h, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên UBND tỉnh phụ trách các địa bàn, khu vực trọng yếu, địa bàn xung yếu để kịp thời nắm bắt và đưa ra chỉ đạo ứng phó bão kịp thời; tuyệt đối không lơ là, chủ quan và có biện pháp sẵn sàng ứng phó với lũ ống, lũ quét trên các sông, suối vùng núi và ngập úng cục bộ các khu dân cư, phải bảo vệ tính mạng, an toàn của Nhân dân là trên hết, trước hết;... Các tập đoàn viễn thông đảm bảo thông tin thông suốt khi bão đi vào đất liền;  duy trì thật tốt các kênh thông tin liên lạc giữa các bộ, ngành, chính quyền các cấp và các lực lượng để kịp thời chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời với các tình huống xảy ra../.

 

Khánh Ly


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tin nổi bật