Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia
Ngày 24/7/2025, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức phiên họp thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự (PTDS) quốc gia chủ trì phiên họp.
Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.
Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Theo báo cáo, năm 2024, thiên tai diễn ra khốc liệt và cực đoan trên phạm vi cả nước với nhiều loại hình: 10 cơn bão, 01 áp thấp nhiệt đới; 240 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 278 trận dông lốc, sét, mưa đá; 409 trận sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông cửu long; 472 trận động đất cùng 04 đợt rét hại, 19 đợt gió mạnh trên biển và 17 đợt nắng nóng. Thiên tai đã làm 519 người chết, mất tích; thiệt hại kinh tế ước tính 91.622 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2023 và hơn 4 lần mức trung bình giai đoạn 2014 - 2023. Riêng đầu năm 2025 (đến ngày 23/7/2025), thiên tai đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo PTDS quốc gia đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ứng phó. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, ổn định phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trong thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực chỉ đạo, điều hành; củng cố hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với từng địa bàn, từng loại hình rủi ro; phân cấp, phân định trách nhiệm và chủ động từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với mọi tình huống thiên tai; lấy người dân làm trung tâm, mỗi xã, phường là một pháo đài trong ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.; bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó với thiên tai; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo sớm, ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; các lực lượng quân đội, công an phát huy vai trò chủ công, sẵn sàng phương tiện, nhân lực hỗ trợ các địa phương tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra./.
Bích Diệp