Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá”
Trong khuôn khổ các sự kiện của Hội chợ Thương mại, Du lịch Quốc tế Việt – Trung (Lạng Sơn 2024), chiều 03/12/2024, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá”. Hội thảo diễn ra 3 phiên với các chủ đề: “Chính sách và thực tiễn phát triển TMĐT xuyên biên giới”; “Giải pháp thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới”; “Tọa đàm: Chung tay thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới: Tăng tốc và bứt phá”.
Các đại biểu dự Hội thảo
Dự Hội thảo có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương); lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đại diện các sở, ngành, cơ quan xúc tiến thương mại của một số tỉnh, thành phố trong nước; đại diện lãnh đạo chính quyền các huyện, thị, các cơ quan và một số doanh nghiệp tiêu biểu của Quảng Tây, Trung Quốc.
Đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Lạng Sơn là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại, những thuận lợi về vị trí địa lý cùng mối quan hệ hợp tác về kinh tế giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc chính là đòn bẩy để phát triển mạnh mẽ TMĐT qua biên giới. Lạng Sơn đã có gần 21.000 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT, đứng thứ 02 toàn quốc; có trên 48.000 giao dịch thành công, đứng thứ 04 toàn quốc; hơn 220.000 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số/hộ gia đình đạt 93%, đứng thứ 3 toàn quốc. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp cận với các kỹ năng số, ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh; tích cực triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh. Đồng thời, tăng cường triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics phục vụ thông quan hàng hóa TMĐT quốc tế; đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối thông suốt với các tỉnh, thành phố... Hội thảo tổ chức tại Lạng Sơn là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Lạng Sơn trong đẩy mạnh hợp tác TMĐT với các đối tác, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Lạng Sơn luôn hoan nghênh, chào đón và sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu và đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp của tỉnh Lạng Sơn về kinh doanh trên nền tảng số, TMĐT quốc tế và các dịch vụ như logistics, xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng.
Đồng chí Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, sự kiện hôm nay là cơ hội để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các đối tác trong và ngoài nước cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới. Chia sẻ về định hướng phát triển TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho hay, phát triển TMĐT xuyên biên giới phải hướng đến tính bền vững; hoàn thiện khung pháp lý (Luật TMĐT, Nghị định quản lý xuất nhập khẩu qua TMĐT); kết nối khai báo thuế và tăng cường quản lý hàng xuất nhập khẩu TMĐT qua chuyển phát nhanh; tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ TMĐT xuyên biên giới…
Ông Lý Kiến Lương, Tuần thị viên cấp 2, Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc thảo luận tại Hội thảo
Phát biểu thảo luận tại Hội thảo, ông Lý Kiến Lương, Tuần thị viên cấp 2, Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, nhằm thúc đẩy hợp tác TMĐT xuyên biên giới giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam, Quảng Tây đang tích cực thúc đẩy nâng cấp các cửa khẩu, lối thông quan thông suốt. Hiện nay, TMĐT xuyên biên giới của Quảng Tây đã kết nối với hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi phục vụ cho cả thị trường tuần hoàn kép trong nước và quốc tế, kết hợp với các chính sách ưu đãi của khu vực thí điểm TMĐT xuyên biên giới. Triển vọng phát triển TMĐT xuyên biên giới giữa Trung Quốc (Quảng Tây) và Việt Nam rất rộng mở.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu là lãnh đạo, người đứng đầu công ty, đơn vị hàng đầu trong TMĐT, thanh toán điện tử xuyên biên giới… đã có những chia sẻ về giải pháp thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới như: xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng TMĐT, sự cần thiết nâng cao năng lực doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo; trang bị cho doanh nghiệp kiến thức về các công nghệ mới như Big Data, AI, Blockchain; tăng cường quảng bá các sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực có uy tín lên các nền tảng TMĐT quốc tế; tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thanh toán quốc tế phục vụ TMĐT xuyên biên giới, vận hành công nghệ thanh toán quốc tế chuyên biệt như bao thanh toán chuyên biệt, thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay (L/C UPAS), chiết khấu nhanh, bảo lãnh thanh toán thuế xuất nhập khẩu…
Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ Trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi chia sẻ tại chương trình Tọa đàm
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra chương trình Tọa đàm với nội dung “Chung tay thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá”. Theo đó, các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT và đại diện một số doanh nghiệp đã cùng trao đổi, chia sẻ về những tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức trong phát triển TMĐT của Việt Nam nói chung và của Lạng Sơn nói riêng; những quy định liên quan đến TMĐT xuyên biên giới; quản trị website TMĐT của doanh nghiệp; giảm thiểu chi phí logistics.../.
Khánh Ly