Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

Sáng ngày 15/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão. 

Dự hội nghị tại Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.

 
Đại biểu mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn 

Trước giờ khai mạc hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ.

Bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong 30 năm qua, trước khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão đạt cấp siêu bão (gió cấp 16, giật trên cấp 17). Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra đợt mưa rất lớn, kéo dài liên tục trên diện rộng tại khắp các địa phương khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 250-500mm. Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,... ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực thấp trũng ở cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ. 

Theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại thống kê đến 15h00 ngày 14/9/2024 có 352 người chết, mất tích (276 người chết, 76 người mất tích), 1.917 người bị thương, 231.851 nhà bị hư hỏng, 190.358 ha lúa, 48.727 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi, 21.786 con gia súc, 2.621.106 con gia cầm bị chết, 305 sự cố đê điều; nhiều tuyến đường giao thông, hệ thống điện, viễn thông bị hư hỏng... Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 31.596 tỷ đồng. 

 
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Tại tỉnh Lạng Sơn, do ảnh hưởng của bão số 03 và mưa lớn sau bão, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to và có nơi mưa rất to. Đặc biệt, do lượng mưa lớn đã gây ra lũ, ngập lụt ở nhiều nơi, gây thiệt hại về người và tài sản. Tính đến thời điểm 15h ngày 12/9/2024, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết, 10 người bị thương; 12.454 hộ gia đình bị thiệt hại (trong đó có 20 nhà bị sập và hư hỏng hoàn toàn; 2.709 hộ bị tốc mái; 839 nhà bị cây đổ vào nhà và do sạt lở đất; 6.945 nhà bị ngập nước; 80 công trình trụ sở Công an xã, nhà văn hóa thôn, trường học và điểm bưu điện xã bị thiệt hại; trên 8.172 ha nông nghiệp, 18.445 ha rừng bị ảnh hưởng, gãy đổ; 11 hồ chứa thuỷ lợi bị hư hỏng; 75 vị trí tỉnh lộ bị ngập úng;, 193 vị trí giao thông tuyến huyện bị sạt lở đất, ngập úng cục bộ và chia cắt với 138 điểm trên các tuyến đường… Ước tính tổng thiệt hại trên 900 tỷ đồng.

 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ, chia buồn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các cơ quan, địa phương, đơn vị và nhất là những gia đình có người tử vong, mất tích, bị thương do siêu bão số 3 gây ra. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đã thể hiện trách nhiệm rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động rất quyết liệt để làm tốt nhất trong khả năng có thể, cảm ơn Nhân dân đã vào cuộc với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt công tác thi đua khen thưởng với các tổ chức, cá nhân làm tốt, nhất là những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, phê bình và xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ.

Về các mục tiêu thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sắp tới gồm: 

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục hậu quả bão: Tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, người ốm đau; bố trí chỗ ở tạm thời cho người bị mất nhà, có nhà hư hỏng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch; rà soát, kiểm tra, bằng mọi cách tiếp cận những nơi bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ, tiếp tế người dân; tập trung cả hệ thống chính trị, các lực lượng người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu; sửa chữa ngay cơ sở y tế, giáo dục.

Nhóm giải pháp ổn định tình hình cho Nhân dân: Rà soát, thống kê, hỗ trợ ngay cho người dân bị thiệt hại, thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ, giải quyết hậu sự cho những người xấu số, giải quyết chính sách theo quy định. Rà soát các thôn bản bị vùi lấp, các gia đình mất nhà, tổ chức tái định cư tại nơi an toàn, chậm nhất tới 31/12/2024 phải hoàn thành. Rà soát, thống kê, sửa chữa các trường lớp, thiết bị để tất cả các cháu học sinh trở lại trường ngay trong tháng 9. Kết nối giao thông thông suốt, làm tốt công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các địa phương thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ cho các gia đình. Nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng.

Nhóm giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh: Rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để hỗ trợ khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. 

Nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thu ngân sách, cung ứng xăng dầu, điện nước, sử dụng hiệu quả tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả, cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi; tập trung làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường…/.

Khánh Ly


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tin nổi bật