A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Chiều 13/02/2023, tại trụ sở UBND tỉnh Bắc Kạn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) về kết quả thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn.

 

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn

 

Vùng TD&MNPBlà địa bàn còn nhiều khó khăn, địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, quốc phòng, an ninh. Đời sống Nhân dân tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo bình quân năm 2022 của vùng là 17,4%, tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân của vùng năm 2022 đạt khoảng 43,6%. Trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao và 14 tỉnh vùng TD&MNPB đã hoàn thành phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển (ĐTPT) là 44.185,172 tỷ đồng, chiếm 44,18% tổng nguồn vốn ĐTPT cho các địa phương trên cả nước. Năm 2022, ngân sách Trung ương (NSTW) hỗ trợ thực hiện 03 CTMTQG cho vùng là 15.444,801 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022), chiếm 45,36% tổng nguồn NSTW hỗ trợ cho toàn quốc, trong đó, vốn ĐTPT là 11.284,974 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 4.159,827 tỷ đồng. 13/14 tỉnh trong vùng đã bố trí 2.084,604 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (NSĐP) để thực hiện 03 chương trình. Năm 2023, tổng vốn NSTW giao cho các địa phương trong vùng là 10.874,152 tỷ đồng. Đến ngày 31/01, có 13/14 tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ vốn. Về kết quả giải ngân vốn NSTW, tính đến ngày 31/12/2022, các tỉnh trong vùng giải ngân đạt trên 40,54%, cao hơn so mức với bình quân chung của cả nước (37,73%) và của 5 tỉnh Tây Nguyên (34,77%).

 

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, tính đến 31/01/2023, Lạng Sơn đã phân bổ 100% số vốn của 03 CTMTQG năm 2022 và năm 2023, trong đó đảm bảo phần vốn đối ứng của địa phương theo quy định, đồng thời, ban hành cơ bản đầy đủ các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của tỉnh, tiến độ giải ngân các chương trình đạt 58,8%, trong đó, vốn ĐTPT đạt 73,4% kế hoạch. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị, các bộ, ngành trung ương sớm giao bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho tỉnh để thực hiện tiểu dự án 02 của dự án 01 thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững để đưa huyện Văn Quan thoát nghèo giai đoạn 2022 -  2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép được chuyển nguồn vốn sự nghiệp NSĐP thực hiện 03 CTMTQG từ năm 2022 sang năm 2023 để tỉnh sớm thực hiện.

 

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh cũng đã tập trung báo cáo những vướng mắc về thể chế, những khó khăn trong quá trình thực hiện các CTMTQG tại khu vực. Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã trực tiếp giải đáp những phản ánh, kiến nghị của các địa phương đồng thời cập nhật tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền.

 

Phó Thủ tướng Trần Quang Lưu phát biểu kết luận hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Quang Lưu chia sẻ với những khó khăn, thách thức của các tỉnh trong vùng TD&MNPB, đồng thời, cũng đánh giá cao, biểu dương các tỉnh trong vùng, dù còn điều kiện còn rất khó khăn, đã rất nỗ lực, trách nhiệm trong tổ chức triển khai các CTMTQG, nhất là công tác giải ngân nguồn vốn. Ghi nhận ý kiến của các địa phương trong vùng, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành Trung ương tổng hợp đầy đủ ý kiến để chuẩn bị cho hội nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành cần chủ động phối hợp để ngay trong quý I/2023 phải hoàn thành các văn bản còn thiếu, rà soát một số nội dung những văn bản còn chồng chéo hoặc chưa rõ, sau đó để báo cáo Quốc hội. Đối với các tỉnh TD&MNPB rà soát lại danh mục các dự án, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, chú trọng nâng cao năng lực của cán bộ, công chức thực thi, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hạn chế thấp nhất rủi ro, sai sót. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh trong quá trình thực hiện các CTMTQG./.

 

Khánh Ly

 

Đánh giá
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết