Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”
Ngày 30/8/2023, Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề ‘Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp. Phiên họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 tỉnh thành trên cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, các sở, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh phát biểu tham luận từ điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Tại phiên họp, các đại biểu được nghe Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số báo cáo về thực trạng tình hình phát triển kinh tế số và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; công bố tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn của 63 địa phương; các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số. Theo đó, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 đến 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 đến 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được. Các giải pháp đã được chỉ ra và thảo luận tại phiên họp gồm: kinh tế số là nền kinh tế với đầu vào quan trọng là dữ liệu và công nghệ; phát triển kinh tế số với không gian tăng trưởng chủ yếu đến từ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; kinh tế số là vấn đề mới và do vậy, cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy; cách tiếp cận 04 bên hợp tác chặt chẽ để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia gồm Bộ chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp và địa phương…
Tại phiên họp, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh đã trình bày tham luận với chủ đề: “Phát triển cửa khẩu số góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu địa phương”. Theo đó, nền tảng cửa khẩu số đã chính thức đi vào vận hành từ 21/02/2022. Đến nay, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số (bao gồm cả xe nhập và xe xuất). Số phương tiện đã được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số là hơn 369 nghìn phương tiện. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình tại 02 cửa khẩu đạt 53,57 tỷ USD. Việc triển khai thí điểm thành công Nền tảng cửa khẩu số giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu; giúp minh bạch hóa, hạn chế các tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu; đảm bảo tính liên tục trong các hoạt động tại cửa khẩu, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua… Với những kết quả và lợi ích mang lại của Nền tảng cửa khẩu số, tỉnh Lạng Sơn đã được nhận giải thưởng Vietsolutions 2022 cho Bài toán chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn đã vinh dự đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với Nền tảng Cửa khẩu số.
Trong chương trình phiên họp đã diễn ra Lễ ký kết bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các ngành lĩnh vực của đời sống hiện nay. “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực” được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú hích góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong những tháng cuối năm 2023. Bên cạnh đó, đồng chí nhấn mạnh về vai trò của phát triển nguồn nhân lực số, cơ sở dữ liệu số, đổi mới sáng tạo số... Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia./.
Bích Diệp