Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Sáng 19/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số (CĐS) với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý nhằm kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số). Về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đến nay tỷ lệ này cả nước đạt trên 55%. Về các nền tảng, hệ thống phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp trong cơ quan nhà nước trên môi trường số: Năm 2020, hồ sơ công việc tại cấp bộ được xử lý trên môi trường mạng đạt mức 65,8%, đến nay tỷ lệ này đạt 89,35%; trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đến nay 100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt nhờ triển khai trục liên thông văn bản quốc gia. Về kết nối chia sẻ dữ liệu: Năm 2020, tổng số giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu là 11,5 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia; tổng giao dịch trong năm 2024 đến nay là 533 triệu. Về phát triển kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 11,91%, năm 2022 đạt 14,26%, năm 2023 đạt 16,5%. Về xã hội số, tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5% (tăng gần gấp 4 lần), tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08% (tăng thêm 20% từ mức tỷ lệ của năm 2020). Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chip; đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận). Ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: Sổ sức khỏe điện tử; giấy phép lái xe; ví điện tử; kê khai, đăng ký, nộp thuế; thông tin sổ bảo hiểm xã hội và nhiều tiện ích khác…

Các tham luận và ý kiến thảo luận tại hội nghị đã tập trung phân tích, chia sẻ những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong quá trình thực hiện CĐS; đồng thời đánh giá những kết quả đạt được cũng như nêu những khó khăn, giải pháp thực hiện trong thời gian tới để CĐS thành công.

 
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị từ đầu cầu tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh, thời gian qua công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp công tác CĐS được chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trên cả 05 trụ cột. Nổi bật là các hệ thống phần mềm dùng chung, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được các cơ quan, đơn vị duy trì sử dụng hiệu quả, 100% văn bản điện tử được được luân chuyển trên môi trường điện tử và ký số, hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến trên cổng DVC đạt trên 97%; 93% hồ sơ TTHC được số hóa; 100% trường học, bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 72% người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, trên 90% điểm kinh doanh cố định thanh toán qua mã Qrcode. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phát động “Đợt thi đua 100 ngày cao điểm số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực”; Đợt thi đua cao điểm 150 ngày “Đẩy mạnh hiện đại hóa bộ phận một cửa cấp huyện cấp, xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Nền tảng công dân số, trợ lý ảo được triển khai hỗ trợ người dân và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện TTHC, thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai chương trình viễn thông công ích trong phát triển hạ tầng viễn thông để phát triển băng rộng cố định, di động đến các thôn, bản trắng và lõm sóng, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số của địa phương với cơ sở dữ liệu của trung ương, hướng dẫn các địa phương đánh giá chỉ tiêu CĐS hằng năm…

 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời nhấn mạnh, CĐS là một trong những động lực trong phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện CĐS là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược trong quá trình phát triển. Thủ tướng chỉ rõ, điều quan trọng, quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu thúc đẩy CĐS thuộc phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, yêu cầu phân công công việc "rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả" và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tăng cường phối hợp và kỷ luật kỷ cương hành chính, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thống nhất, nâng cao nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện của người lãnh đạo trong CĐS, theo nguyên tắc "lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên". Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết của Đảng và xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong CĐS. Tập trung triển khai DVCTT phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% DVCTT toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng DVCTT, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết TTHC, đến năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết TTHC được gắn định danh cá nhân. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, địa phương và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Khẩn trương hoàn thành việc bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; rà soát, nâng cấp an ninh an toàn các hệ thống thông tin thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị mình theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông…/.

Khánh Ly


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tin nổi bật