Hội nghị lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương đối với hồ sơ trình phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tỉnh Lạng Sơn
Ngày 22/9/2023, tại Hà Nội, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương đối với hồ sơ trình phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh (CKTM) tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hữu Nghị và cửa khẩu (CK) phụ Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị, có đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế CK Đồng Đăng - Lạng Sơn đã trình bày dự thảo Đề án “Thí điểm xây dựng mô hình CKTM tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực CKQT Hữu Nghị và CK Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn”. Theo đó, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 26/6/2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, UBND tỉnh Lạng Sơn, (Việt Nam) và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đã cùng thống nhất ký Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm CKTM Việt Nam - Trung Quốc. Một trong những nội dung cơ bản của Thỏa thuận khung là Hai bên đồng ý cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm CKTM tại Tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa CK Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc).
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Đề án triển khai thực hiện thí điểm CKTM tại các CK Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc), UBND tỉnh Lạng Sơn đã triển khai xây dựng Đề án với mục tiêu triển khai xây dựng mô hình CKTM dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các CK đường bộ nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng của thương nhân hai nước Việt Nam -Trung Quốc. Đồng thời giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực CK, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia XNK. Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại các CK Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 04 - 05 lần so với thời điểm hiện tại.
CKTM là việc hai nước Việt - Trung cùng phối hợp xây dựng tuyến đường chuyên dụng XNK hàng hóa độc lập, khép kín tách biệt với đường vận chuyển hàng hoá hiện nay đang sử dụng. Mô hình CKTM phải đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin, thực hiện vận chuyển hàng hóa không tiếp xúc, không gián đoạn, áp dụng phương thức vận chuyển không người lái di chuyển theo tuyến đường cố định (sử dụng đinh từ) và các thiết bị cẩu container tự động hoá, dựa trên cơ sở định vị vệ tinh và công nghệ 5G.
Đại diện Bộ Quốc phòng tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án
Tại hội nghị, qua nghe báo cáo và nghiên cứu dự thảo Đề án thí điểm CKTM của tỉnh Lạng Sơn, đại diện 12 bộ, ngành trung ương tham dự hội nghị đều thống nhất nhận định việc xây dựng CKTM là mô hình mới, chưa có tiền lệ, đánh giá cao tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, tích cực trao đổi với các bộ, ngành Trung ương trong quá trình xây dựng Đề án, đồng tình với việc cần thiết phải xây dựng CKTM trong giai đoạn hiện nay. Chia sẻ với tỉnh Lạng Sơn về những khó khăn, vướng mắc, đại diện các bộ, ngành Trung ương cũng bày tỏ sự hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh trong suốt quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Đề án CKTM.
Đại diện Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Bộ Ngoại giao góp ý vào dự thảo Đề án
Đại diện Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Bộ Ngoại giao cho rằng, Lạng Sơn có vị trí địa lý đặc biệt là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng, mô hình CKTM phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, khu vực và của Đảng, nhà nước ta hiện nay là sớm thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, do đó cần bổ sung làm rõ hơn định hướng mục tiêu của Đề án, làm rõ những tác động việc xây dựng CKTM đến quốc phòng, an ninh (QPAN), chủ động xây dựng các phương án ứng phó linh hoạt, phù hợp. Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế, những tác động của Đề án đến an ninh đối ngoại, môi trường, sử dụng đất, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Đề án và giải pháp khắc phục, tổ chức sơ kết đánh giá mô hình, xử lý tình huống phát sinh…
Đại diện lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị
Đại diện các bộ, ngành trung ương cũng góp ý, trong Đề án thí điểm CKTM cần làm rõ đây là mô hình giao nhận hàng hóa mới không phải mô hình thông quan mới, cần bổ sung thêm các luận cứ về thời gian, lộ trình thí điểm, phân kỳ đầu tư để tính toán phù hợp, rà soát các quy định mang tính đối ngoại song phương để điều chỉnh phù hợp, bổ sung các quy định về phương tiện tự hành AGV, phát sóng 5G, chia sẻ thông tin, bổ sung phụ lục, sơ đồ luồng xử lý. Những nội dung liên quan đến các bộ, ngành thì trong Đề án phải phân rõ từng phần việc, nhiệm vụ để triển khai, hỗ trợ tỉnh, nghiên cứu bổ sung thêm nhiệm vụ của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong các cơ quan có lực lượng triển khai nhiệm vụ tại CK.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu cảm ơn đại biểu các bộ, ngành Trung ương đã có những ý kiến xác đáng, sâu sắc vào dự thảo Đề án. Đồng chí cũng bổ sung thông tin làm rõ thêm những nội dung của Đề án. Đồng chí nhấn mạnh, CK Tân Thanh và CK Hữu Nghị thực hiện thông quan hàng hóa chiếm 80% năng lực thông quan của các CK trên địa bàn tỉnh, đến nay mỗi ngày thông quan trên 1.200 xe/ngày, đó là do thời gian qua tỉnh Lạng Sơn đã triển khai có hiệu quả cửa khẩu số và ứng dụng các quy trình kiểm soát công nghệ thông minh. Việc xây dựng CKTM là tất yếu, phù hợp với xu thế quốc tế, theo xu hướng số hóa hiện đại, thông minh. Bên cạnh đó, xây dựng CKTM cũng là việc cụ thể hóa thống nhất của lãnh đạo cấp cao, vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Lạng Sơn thực hiện thí điểm xây dựng CKTM, tuy nhiên, do đây là việc mới, chưa có tiền lệ, có nhiều vướng mắc nên cần sự hướng dẫn, giúp đỡ hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương.
Trên cơ sở các ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban quản lý Khu kinh tế CK Đồng Đăng - Lạng Sơn phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý tại hội nghị để tập trung hoàn thiện các nội dung dự thảo Đề án, trong đó, trọng tâm bổ sung, đánh giá rõ hơn, kỹ hơn tác động của việc xây dựng CKTM đối với ANQP, môi trường, đối ngoại… Xác định rõ hơn hiệu quả của Đề án đối với phát triển KTXH của tỉnh, bảo đảm ANQP, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước tại khu vực CK. Đồng thời, định kỳ tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án, điều chỉnh dự kiến giao nhiệm cho các bộ, ngành tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, rà soát lại từ ngữ, biên tập chính xác… Đồng chí lưu ý, dự thảo Đề án cần nêu bật việc triển khai thực hiện Đề án ngoài sự nỗ lực của địa phương còn có sự hướng dẫn, phối hợp giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương. Đồng chí cũng đề nghị các bộ, ngành sớm có ý kiến bằng văn bản gửi tỉnh Lạng Sơn trước ngày 26/9/2023 để tỉnh Lạng Sơn tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ Đề án, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ./.
Khánh Ly - Thùy Linh