Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật

Ngày 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.

cc

Toàn cảnh phiên họp.

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 ( từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/7/2023), tình hình tội phạm được kiềm chế, không để phát sinh những phức tạp lớn, trật tự an toàn xã hội từng bước có chuyển biến tích cực. Cơ bản những nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội giao trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 được thực hiện tốt, một số nội dung vượt chỉ tiêu, các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ; công tác phát hiện, điều tra án kinh tế, tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, có dấu ấn lan tỏa, cảnh tỉnh, răn đe.

Về tình hình kết quả công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng và kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm nổi lên, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, mua bán người, xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về nội dung nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh, Báo cáo của Chính phủ cơ bản đã bám sát vào các yêu cầu theo đề cương báo cáo của Ủy ban Tư pháp; đánh giá được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023.

Cùng với đó, Báo cáo đưa ra dự báo về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2024 và những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng của công tác này; đồng thời, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội trong hoạt động phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Báo cáo cũng thống kê cụ thể được nhiều loại tội phạm, cụ thể được kết quả, tiến độ thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp tại Báo cáo thẩm tra năm 2022 và các năm trước, đặc biệt là Báo cáo chuyên đề về tạm đình chỉ điều tra.

cc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa trình bày ý kiến thẩm tra của nhóm nghiên cứu.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chỉ rõ, mặc dù Báo cáo của Chính phủ đã thống kê được số liệu xử lý vi phạm hành chính của các bộ, ngành, địa phương, nhưng vẫn chưa đánh giá, phân tích cụ thể được của từng bộ, ngành và tổng thể tình hình xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc.

Một số nội dung báo cáo còn chưa đầy đủ theo yêu cầu đề cương như tình hình thực hiện quy định của pháp luật về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can; việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 của cơ quan điều tra.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với ý kiến của nhóm nghiên cứu, bên cạnh đó đề nghị, trước tình trạng gia tăng của tội phạm và dự báo tình hình kinh tế-xã hội thời gian tới còn nhiều khó khăn, Chính phủ cần tích cực chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan đưa ra những giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Khẩn trương tiến hành tổng kết 12 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, sớm trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.

Tại phiên họp, trình bày ý kiến của Nhóm nghiên cứu đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong năm 2023, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quyết liệt triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực; nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh…

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, đấu thầu, trái phiếu, y tế, giáo dục... gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng thông đồng, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, như: quản lý tài sản, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán…; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục…

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp cũng thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát năm 2023; Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các tòa án năm 2023; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2023.

Nguồn: nhandan.vn


Nguồn:tuyentruyen.langson.gov.vn Sao chép liên kết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tin nổi bật