A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022

Sáng 29/3/2024, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Dự, chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ có đồng chí Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương, các cục nghiệp vụ trực thuộc Thanh tra Chính phủ.

 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

 

Dự, chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo, công chức Thanh tra tỉnh; lãnh đạo Thanh tra các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Hội nghị cũng được kết nối đến điểm cầu các huyện, thành phố thuộc tỉnh, dự hội nghị tại đây có lãnh đạo UBND, lãnh đạo và công chức Thanh tra các huyện, thành phố.

Tại hội nghị, đại diện Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) đã giới thiệu, phổ biến, hướng dẫn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, điểm mới cơ bản của Luật Thanh tra 2022 (được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 để thay thế Luật Thanh tra năm 2010, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023) và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó tập trung giới thiệu, phân tích làm rõ những điểm mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra. Theo đó, Luật Thanh tra năm 2022 gồm 8 chương, 118 điều (tăng 01 chương, 40 điều so với Luật Thanh tra năm 2010). Các điều khoản, quy định của Luật Thanh tra năm 2022 tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác thanh tra; tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra theo tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

So với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 bổ sung nhiều quy định, điểm mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra; về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, công tác phối hợp giữa thanh tra với kiểm toán nhà nước, điều tra; việc ban hành kết luận thanh tra về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra; quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ một số quy định về cộng tác viên thanh tra và quy định thanh tra nhân dân. Đồng thời, bổ sung một số điểm mới về người ký quyết định thanh tra, ban hành kết luận thanh tra, đoàn thanh tra, mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc, các hành vi nghiêm cấm trong các cuộc thanh tra…

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện một số bộ, ban, ngành, địa phương đã nêu những khó khăn, vướng mắc về pháp luật cần được quan tâm tháo gỡ về những nội dung như: xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, hình thức, thời gian thanh tra, trình tự thủ tục, vấn đề thanh tra nội bộ... nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra trong thời gian tới.

 

Khánh Ly

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết