Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 năm 2024

Sáng 08/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 26 tỉnh, thành phố. 

 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.

Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão rất đặc biệt, bão hình thành phía Đông của Philipin nhưng mạnh lên thành siêu bão trên biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố). Bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía Bắc đã bị tổn thương rất nặng nề. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Công điện khẩn để chỉ đạo các bộ, ban, ngành địa phương khẩn trương, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với bão. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 07h sáng ngày 08/09/2024, bước đầu đã ghi nhận một số thiệt hại, tuy nhiên do sóng to, gió lớn và mất liên lạc nên Quảng Ninh - nơi thiệt hại lớn nhất chưa thống kê chính xác được. Sơ bộ một số thiệt hại bước đầu như sau: Về người, 06 người chết (Quảng Ninh 03, Hải Phòng 01, Hải Dương 01, Hà Nội 01), 186 người bị thương. Một số tàu, thuyền bị chìm tại nơi neo đậu Quảng Ninh, Hải Phòng. Trên 3.200 nhà ở bị hư hỏng, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng, tốc mái và rất nhiều cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố. Về nông nghiệp trên 121.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 08 - 09/9/2024, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24h có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn và nguy cơ cao xảy lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất, trong đó, tại tỉnh Lạng Sơn nguy cơ xảy ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại 11/11 huyện, thành phố.

 
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Tại tỉnh Lạng Sơn, thực hiện công điện của Thủ tướng và Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn về chủ động ứng phó ứng phó bão số 3. Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy đã kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3 tại 02 địa điểm: Hồ Nà Cáy (thị trấn Na Dương) và hồ chứa nước Bản Lải, huyện Lộc Bình; các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại 11/11 huyện, thành phố. Theo báo cáo nhanh, tính đến 8h30 ngày 08/9/2024 trên địa bàn tỉnh đã có 05 người bị thương nhẹ, trên 230 hộ dân tại các vị trí nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở, mất an toàn đã được di dời đến nơi an toàn, 945 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà cửa, trong đó: 720 hộ bị tốc mái; 25 nhà bị cây đổ vào nhà, trên 420 ha lúa, hoa màu, cây nông nghiệp bị ảnh hưởng, một số tuyến Quốc lộ bị cây đổ xuống đường đã được xử lý thông tuyến, một số điểm ngập lớn ảnh hưởng đến việc lưu thông. Ngoài ra, còn một số thiệt hại khác như: một số cột điện, cột thông tin liên lạc bị gãy đổ và nhiều tuyến đường giao thông có nhiều vị trí bị sạt taluy dương, cây đổ ra đường...


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến gia đình, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, mất mát về người và tài sản do ảnh hưởng của bão số 3. Thủ tướng cũng biểu dương các lực lượng, cơ quan đơn vị, địa phương đã tổ chức tập trung phòng chống bão, Nhân dân đã chấp hành tốt các quy định của Chính phủ về phòng chống bão. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động, tích cực khắc phục hậu quả sau bão, tập trung công tác cứu người, rà soát những người mất tích để cứu hộ, cứu chữa những người bị thương nặng và giải quyết hậu sự cho nạn nhân bị thiệt mạng; không để người dân nào thiếu lương thực, thiếu chỗ ở, không để học sinh thiếu lớp, không để người bệnh thiếu thuốc men. Cùng với đó, các địa phương thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đề xuất sự hỗ trợ của Trung ương để khắc phục hậu quả sau bão, tập trung phòng chống hoàn lưu bão, tiếp tục duy trì dự báo, hướng dẫn kỹ năng phòng chống, truyền thông về bão. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những địa phương, tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác ứng phó với bão. Các lực lượng khắc phục ngay sự cố về điện, viễn thông để ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh của người dân, các đơn vị  chức năng tiếp tục ứng trực để kịp thời ứng cứu các sự cố xảy ra sau bão. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân không bị ảnh hưởng của bão đóng góp, hỗ trợ người dân các tỉnh bị thiệt hại trên tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.  

 
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả sau bão

Ngay sau hội nghị, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh triển khai ngay công tác kiểm tra tại các huyện, thành phố để chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão, tiếp tục triển khai sơ tán người dân, di chuyển tài sản các khu vực nguy cơ bị ngập lụt do xả lũ hồ Bản Lải ở các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định và thành phố Lạng Sơn, hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa ở những nơi bị thiệt hại, vệ sinh các trường học, công sở để sớm đi vào hoạt động, tổ chức dọn dẹp đường phố, cây cối đổ ngã, khắc phục sự cố lưới điện, viễn thông, xử lý đất sạt lở trên các tuyến đường để đảm bảo giao thông thông suốt, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi sau lũ, khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định đòi sống, quan tâm huy động nguồn xã hội hoá, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, tránh tâm lý chủ quan./.

Khánh Ly


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết