Hội thảo khoa học Giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay
Sáng 23/10, UBND tỉnh Lạng Sơn và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Giải pháp chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác CĐS lĩnh vực y tế đã được tỉnh Lạng Sơn chú trọng và đẩy mạnh, trong đó xác định CĐS trong hoạt động khám chữa bệnh (KCB) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành Y tế, đến nay 100% cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện để quản lý thông tin bệnh nhân từ lúc nhập viện đến lúc ra viện; 95% người dân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử. Tỉnh đã triển khai Đề án “khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2021 - 2025; 100% cơ sở KCB thực hiện khám chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp và ứng dụng VNeID (đạt 80,93%, số còn lại là trẻ em và người chưa có CCCD); 100% cơ sở KCB triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt (tính đến hết tháng 9/2024 đạt tỷ lệ 61%)… Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS lĩnh vực Y tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn vướng mắc, hạn chế về phân tích, dự đoán để đưa ra chiến lược về công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) Nhân dân, “Sổ sức khoẻ điện tử” phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID đạt kết quả chưa cao, công tác đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin còn hạn chế,… Hội thảo là cơ hội để tỉnh Lạng Sơn lắng nghe ý kiến của các đại biểu thảo luận, góp ý những giải pháp cho công tác CĐS để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo đề dẫn hội thảo
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, CĐS là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược và yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế, cải thiện các dịch vụ phục vụ người dân. Y tế là một trong các lĩnh vực có tác động xã hội lớn, liên quan mật thiết tới cuộc sống người dân, cần ưu tiên thực hiện. Kết quả khảo sát tại Lạng Sơn cho thấy, CĐS trong lĩnh vực y tế đã chứng minh được tính hiệu quả, hữu ích góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, chi phí. Trong 9 tháng đầu năm 2024, thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo giai đoạn và từng năm với 4 nhóm chỉ tiêu, trong đó CĐS trong công tác KCB và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đặc biệt quan tâm với 9 chỉ tiêu cụ thể. Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở tăng cường giải quyết thủ tục KCB bảo hiểm y tế bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VneID; 100% bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện có cầu truyền hình trực tuyến và thực hiện kết nối qua nền tảng số để phục vụ KCB, Sở Y tế tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã triển khai hoạt động thu phí không dùng tiền mặt, tăng cường quản lý hồ sơ bệnh án điện tử…
Thạc sĩ Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia phân tích chính sách, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu tham luận, thảo luận tập trung các nội dung như: Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023; thực trạng CĐS về y tế, quá trình triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh; hiệu quả và lợi ích khi thanh toán chi phí KCB không dùng tiền mặt; kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc trong công tác CĐS của Trung tâm Y tế thành phố Lạng Sơn…
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam phát biểu thảo luận
Đồng chí Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tham luận
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác CĐS, trong đó, ưu tiên lĩnh vực an sinh xã hội, phúc lợi xã hội như: y tế, giáo dục, lao động, bổ sung nhân lực có chuyên môn, chế độ chính sách...
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu bế mạc hội thảo
Phát biểu bế mạc hội thảo, Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự hội thảo. Đồng chí khẳng định đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển, đổi mới trong việc CĐS ngành Y tế, nâng cao chất lượng quản lý, CSSK người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị Sở Y tế tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về CĐS trong ngành, trong đó tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, từng bước số hóa hồ sơ bệnh án, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Khám chữa bệnh từ xa”, triển khai sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID tại cơ sở y tế, bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với các dữ liệu y tế... Các sở, ngành tiếp tục tham mưu nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp công nghệ liên quan đến công tác CĐS trên địa bàn tỉnh, nhất là CĐS lĩnh vực y tế. UBND cấp huyện tiếp tục tuyên truyền CĐS thực chất ở cơ sở, phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong công tác CĐS nói chung và CĐS lĩnh vực y tế nói riêng. Đồng chí cũng mong muốn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục cùng đồng hành, quan tâm, hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn trong triển khai CĐS và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.
Khánh Ly