Chính phủ tổ chức Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022
Sáng 30/11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 nhằm phổ biến, triển khai Nghị quyết 148/NQ- CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ và điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/1/2022 về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định 5 nhóm quan điểm và 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Ngay sau khi Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết.
Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong 10 năm tới, định hướng đến 2045, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thống nhất và tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ.
Để đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra, các bộ, ngành, địa phương phải thống nhất xây dựng chương trình, kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Trọng tâm phải thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng tổng mức, cân đối vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước; xây dựng định hướng thu hút, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho thực hiện mục tiêu Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị. Bộ Xây dựng chủ trì tổng hợp đề xuất, xây dựng Chương trình Quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị và phát triển đô thị; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong bố trí, vận động thu hút đa dạng hóa nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đô thị;…
Đỗ Hoạt